Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam

Thái An
Ngày 6/4/2023, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm: "Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam". Tọa đàm là nơi để các lãnh đạo và chuyên gia cùng nhau thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn trong ngành bán lẻ Việt Nam.

Sáng nay, ngày 6/4/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Cuộc CMCN 4.0 và cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam”do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) chủ trì, Tạp chí Thương Trường thực hiện.

1

Tọa đàm có sự hiện diện của TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các đại biểu đến từ Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước, Cục TMĐT và Kinh tế số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Vụ Khoa học – Công nghệ)...

Về phía Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam có bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội; bà Đinh Thị Mỹ Vân - Tổng biên tập Tạp chí Thương Trường và đại diện các doanh nghiệp và các Hội, Hiệp hội, các cơ quan báo chí.

Phát biểu Khai mạc Tọa đàm, TS. Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh: Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn mở rộng với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước; các chuyên gia kinh tế, thương mại, công nghệ; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ bán lẻ và liên quan… cùng thảo luận, phân tích thực trạng, chỉ rõ xu thế phát triển và đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế từ chính sách đến thực tiễn, khuyến nghị đổi mới sát với thực tiễn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0.

3

TS. Nguyễn Thanh Hưng - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Hưng – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho rằng: Thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng nhanh sau 2 giai đoạn manh nha và đang có mức tăng trưởng doanh thu rất ấn tượng. Nếu như năm 2015 có doanh thu bán lẻ TMĐT chỉ đạt 4 tỷ USD, đến 2022 bán lẻ thương mại điện tử đã tăng lên 20 tỷ USD.Bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, tập trung ở các ông lớn Shopee, Lazada…. Thương mại điện tử hiện đang chiếm hơn 7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.

"Bán lẻ hàng hóa và thương mại điện tử đang quyện hòa vào nhau khi phương thức bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế của thời đại. Thậm chí, cả cửa hàng tạp hóa cũng đã trở thành nơi đang ưu tiên áp dụng và đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử" - ông Hưng nói.

2

TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương.

Nhận định về tình hình hiện nay, TS. Đinh Thị Bảo Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng, thị trường bán lẻ quốc tế và Việt Nam không ngừng vận động theo xu hướng CMCN 4.0, mang lại cả những cơ hội và thách thức mới. Tăng cường khả năng đón bắt xu hướng thị trường, thích ứng và phát triển bền vững là điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ.

Để nắm bắt những cơ hội CMCN 4.0 mang lại, TS. Đinh Thị Bảo Linh cho rằng, bên cạnh những nỗ lực từ phía Nhà nước trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý phù hợp và thông thoáng, các nhà bán lẻ cần từng bước tạo lập quy trình để khách hàng có thể tự lựa chọn hàng hóa, phục vụ, thanh toán, hoàn trả, đổi hàng nhanh chóng để giảm các chi phí chăm sóc khách hàng vốn rất tốn kém.

Các ý kiến tại Tọa đàm cũng nhất trí về việc để có thể tận dụng tốt lợi thế của thương mại điện tử, cần phải thường xuyên sửa đổi các văn bản, quy phạm pháp luật để kiểm soát chất lượng hàng hóa, từ đó bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, và hạn chế các tranh chấp trên các sàn thương mại điện tử.