Hà Nội phấn đấu hết năm 2023, 100% công dân được cấp chữ ký số để giao dịch điện tử

Thái An
Với nhiều ý nghĩa thiết thực, các cấp chính quyền Hà Nội đang phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ cấp chữ ký số (CKS) cho 100% công dân trên địa bàn. Từ đó giúp người dân thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện các giao dịch điện tử.

Nhiều lợi ích của CKS

anh-9.2.jpeg
CKS giúp các cơ quan quản lý nhà nước của TP Hà Nội vận hành hiệu quả.

CKS là một loại chữ ký điện tử, thay thế hoàn toàn chữ ký thường bằng tay và được thao tác trên các thiết bị thông minh. Hiện nay, CKS được sử dụng hiệu quả trong các hoạt động như kê khai và nộp thuế trực tuyến, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng điện tử…

Với sự ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, số lượng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) sử dụng CKS ngày càng tăng lên. Con số này chứng minh rằng CKS đã và đang mang đến những ý nghĩa tuyệt vời cho người sử dụng.

Ý nghĩa đầu tiên của CKS có thể dễ dàng nhận thấy và kiểm chứng đó là tiết kiệm thời gian cũng như công sức cho những người thực thi giao dịch. Bởi với hình thức truyền thống, các bên cần mất thời gian di chuyển, gặp gỡ trực tiếp để ký kết thì CKS hoàn toàn có thể tiết kiệm khoảng thời gian này.

Bên cạnh đó, CKS sử dụng trong các giao dịch với cơ quan nhà nước như kê khai và nộp thuế điện tử, kê khai hải quan, đăng ký thành lập DN… sẽ giúp giảm tải được các thủ tục rườm rà và khoảng thời gian phải chờ đợi, phản hồi thông tin.

Ngoài ra, CKS giúp các tổ chức, cá nhân, DN tiết kiệm chi phí tối ưu cho việc in ấn. Đáng chú ý, với các giao dịch ở ngoại tỉnh hay quốc tế thì việc sử dụng CKS cũng giúp giảm tải khoản chi phí đáng kể đối với việc di chuyển, ăn ở.

Một lợi ích khác của CKS mà chúng ta cũng cần phải nhắc tới là đảm bảo độ an toàn, chính xác và bảo mật cho các văn bản giao dịch. Ý nghĩa này của CKS dựa vào đặc tính chống chối bỏ. Đặc tính chống chối bỏ sẽ giúp các bên xác định chính xác người ký văn bản, hợp đồng và người ký sẽ không thể xóa bỏ chữ ký này. Đồng thời, văn bản có CKS khi đã được gửi đi, chỉ có người nhận mới có thể mở và đọc toàn bộ nội dung, thông tin bên trong. Mặt khác, CKS được cung cấp bởi đơn vị uy tín, được cơ quan Nhà nước cho phép. Do đó, độ an toàn, chính xác và bảo mật thông tin luôn là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu.

Không những thế, CKS còn giúp giảm tình trạng giả mạo chữ ký. Từ đó hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải khi ký kết hợp đồng, văn bản hay tài liệu. Qua đó thúc đẩy giao thương nhờ quá trình ký kết nhanh chóng, an toàn, mang đến sự tin tưởng, hài lòng cho tất cả các bên.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Khi công nghệ và mạng Internet trở nên phổ biến, CKS là xu hướng tất yếu. Trên chiếc điện thoại di động thông minh, chúng ta có thể tích hợp căn cước công dân điện tử, tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến..., có thể làm các thủ tục hành chính mà không cần hiện diện ở cơ quan chức năng.

CKS sẽ giúp các giao dịch trên môi trường mạng Internet nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo tính xác thực và bảo mật cao. Trong bối cảnh công nghệ số ngày nay, CKS chính là mảnh ghép còn thiếu để mỗi người dân có thể thực hiện mọi hoạt động trên môi trường số.

Hà Nội đẩy mạnh cấp CKS cho công dân

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ tích cực, chủ động triển khai 38 nhiệm vụ trong năm 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.

Trong năm 2023, UBND TP sẽ trình HĐND TP Hà Nội có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, DN tham gia thực hiện.

anh-9.1.jpg
Hà Nội phấn đấu hết năm 2023, 100% công dân được cấp CKS

Thủ đô cũng đề ra nhiệm vụ trong năm 2023 là nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT, bảo đảm 100% người dân có tài khoản trên cổng dịch vụ công, tối thiểu 50% hồ sơ phát sinh được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến. Đặc biệt, 100% công dân của Hà Nội được cấp CKS miễn phí phục vụ thực hiện các DVCTT và các giao dịch trên môi trường điện tử.

Theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, CKS đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận, bảo đảm trách nhiệm xã hội và các nghĩa vụ của chủ thể tham gia thực hiện văn bản điện tử liên thông. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện cấp CKS miễn phí cho công dân Thủ đô để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử được nhanh chóng, thuận tiện nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

UBND TP Hà Nội đã chủ trì làm việc với các đối tác, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn triển khai cấp CKS miễn phí với dịch vụ công miễn phí cho người dân./.